Tiêu đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tác giả: Phạm Thị Thu Hồng, Khóa 2010 đợt 2.
Chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản, Mã ngành: 62620301; Nhóm ngành: Nông - Lâm - Ngư nghiệp.
Người hướng dẫn chính: GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Trường Đại học Cần Thơ.
Người hướng dẫn phụ: PGS.TS. Dương Nhựt Long, Trường Đại học Cần Thơ.
Thời gian bảo vệ: 08 giờ 00, Thứ sáu ngày 19 tháng 5 năm 2017.
Địa điểm bảo vệ: Phòng Bảo vệ luận án tiến sĩ (Phòng họp 3, lầu 2, Nhà điều hành), Khu II – Trường Đại học Cần Thơ.
Nghề nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò rất quan trọng trong ngành thủy sản của quốc gia. Thị trường tiêu thụ cá tra đã được mở rộng trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, các yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe đòi hỏi ngành hàng cá tra hướng tới phải chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn sản xuất (GlobalGAP, GAP, VietGAP, ASC,...) để đáp ứng cho các thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đã và đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và thể hiện sự phát triển không bền vững. Trong khi đó, có sự phân hóa ngày càng rõ rệt về hiệu quả kỹ thuật và tài chính giữa các hình thức nuôi.
Nghiên cứu về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 12 năm 2014 nhằm cung cấp các thông tin về thực trạng sản xuất ngành hàng, hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả tài chính các hình thức tổ chức sản xuất; đánh giá việc áp dụng các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường nhập khẩu và dẫn liệu khoa học một số kỹ thuật cải tiến giảm chi phí sản xuất làm tiền đề đưa ra các giải pháp kỹ thuật và quản lý góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Kết quả điều tra cho thấy, bốn tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ có diện tích nuôi cá tra trên 85% tổng diện tích nuôi cá tra của toàn vùng ĐBSCL; trong thời gian 13 năm (2001-2014) diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL tăng gần 3 lần (từ hơn 2.300 ha lên gần 6.000 ha), sản lượng tăng 34,3 lần (từ 37.500 tấn lên 1.285.500 tấn); kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 43 lần (từ 40 triệu USD lên hơn 1,75 tỉ USD), chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu tăng 1,77 lần (từ 15.000–23.000 đ/kg cá) nhưng giá thu mua nguyên liệu không ổn định, liên tục thấp hơn giá thành sản xuất. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản hiện có đủ năng lực cung ứng cho nhu cầu phát triển ngành hàng nhưng do phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu nên giá bán cho người nuôi luôn biến động tăng, góp phần tăng chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu.
Cơ cấu sản phẩm chế biến ngành cá tra chưa hợp lý, chủ yếu sản phẩm phi-lê (95%), tỷ lệ hàng giá trị gia tăng thấp nên hiệu quả kinh tế chung chưa cao. Bên cạnh đó, với hệ số chế biến từ 2,7-3, sản lượng xuất khẩu cá tra phi lê từ 644.743 tấn (năm 2008) tăng lên 704.459 tấn (năm 2013) nhưng không hợp lý so với sản lượng nuôi, chứng tỏ sản lượng tăng do kỹ thuật chế biến (như mạ băng). Bên cạnh đó, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL có sự dịch chuyển về hình thức sở hữu, hình thức công ty ngày càng phát triển và có nhiều lợi thế về các điều kiện như hệ thống nuôi, quản lý và khả năng ứng dụng các tiêu chuẩn tốt hơn so với hình thức nuôi khác, nhất là nuôi cá thể.