Tiêu đề: “Xác định tác nhân vi khuẩn gây bệnh xuất huyết trên cá bống kèo (Pseudapocryptes elongatus)”.
Tác giả: Nguyễn Thu Dung, Khóa 2011, đợt 2.
Chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản, Mã ngành: 62620301; Nhóm ngành – Lâm – Ngư nghiệp.
Người hướng dẫn chính: PGS.TS. Đặng Thị Hoàng Oanh, Trường Đại học Cần Thơ.
Thời gian bảo vệ: 08 giờ 00, Thứ bảy ngày 25 tháng 6 năm 2016.
Địa điểm bảo vệ: Hội trường I Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Bệnh xuất huyết trên cá bống kèo (Pseudapocryptes elongatus) đã gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Qua kết quả điều tra phỏng vấn trực tiếp 90 hộ nuôi ở Bạc Liêu cho thấy, mật độ nuôi cá bống kèo dao động từ 100 – 150 con/m2, trong suốt thời gian nuôi hầu hết các hộ nuôi không thay nước mà chỉ cấp thêm nước, xử lý hóa chất và vi sinh nhằm cải thiện môi trường nuôi. Cá tập trung bệnh ở giai đoạn 02 tháng tuổi với dấu hiệu bệnh lý là xuất huyết trên thân, tại các vi và hậu môn với tỉ lệ chết cao và trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi.
Kết quả phân lập vi khuẩn sau 6 lần thu mẫu đã thu được 252 khuẩn lạc, tiến hành kiểm tra một số chỉ tiêu sinh hóa cơ bản của vi khuẩn cho thấy vi khuẩn thu được là vi khuẩn Gram (+), hình tròn, không di động, oxidase và catalase âm tính. Sau khi tiến hành định danh vi khuẩn bằng kit API 20 Strep và phương pháp giải trình tự gen 16S rRNA đã xác định vi khuẩn gây bệnh là Streptococcus dysgalactiae. Quy trình PCR sử dụng đoạn mồi STRD-DyI/dys-16S-23S-2 được chuẩn hóa để chẩn đoán nhanh S. dysgalactiae gây bệnh xuất huyết trên cá bống kèo.
Kết quả xác định liều lượng gây chết LD50 của vi khuẩn là 4,25 x 104 CFU/ml. Vi khuẩn S. dysgalactiae gây bệnh trên cá bống kèo nhạy cao với kháng sinh florfenicol và doxycycline. Kết quả điều trị trong phòng thí nghiệm cho thấy khi gây cảm nhiễm cá bống kèo bằng chủng vi khuẩn B1-6T với liều lượng vi khuẩn 4,25 x 104 CFU/cá, sử dụng 02 loại thuốc kháng sinh florfenicol và doxycycline ở liều lượng 20 mg thuốc/kg trọng lượng cá, sau 21 ngày theo dõi cả hai loại kháng sinh trên (ở dạng nguyên liệu và thành phẩm) đều cho tỷ lệ điều trị đạt cao, tỉ lệ sống của cá đạt từ 65,56 % – 71,11 %, giá trị RPS (%) đạt từ 45,27% – 61,16 %.
Từ khóa: Cá bống kèo, Pseudapocryptes elongatus, bệnh xuất huyết, vi khuẩn, Streptococcus disgalactiae.
2. Những kết quả mới của luận án:
Xác định được tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá bống kèo là vi khuẩn S. dysagalactiae và các thời điểm bệnh thường xuất hiện ở cá bống kèo nuôi trong ao.
Thực hiện và chuẩn hóa qui trình phát hiện vi khuẩn S. dysgalactiae để ứng dụng chẩn đoán sớm, nhanh và đặc hiệu tác nhân gây bệnh xuất huyết ở cá bống kèo bằng phương pháp PCR.
Đề xuất một số loại kháng sinh điều trị bệnh xuất huyết trên cá bống kèo.
3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn, các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:
- Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Nhằm đáp ứng cho quá trình đa dạng vật nuôi cây trồng, góp phần gia tăng sản lượng động vật thủy sản nuôi. Thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng bệnh trên cá bống kèo và qui trình phòng trị bệnh sẽ góp phần hạn chế thiệt hại trong quá trình nuôi cá bống kèo mang lại hiệu quả về năng suất và kinh tế, tăng thu nhập cho người nuôi.
- Các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:
+ Nghiên cứu chuẩn hóa qui trình chẩn đoán phát hiện vi khuẩn S. dysgalactiae trực tiếp trên mẫu cá.
+ Tiếp tục nghiên cứu điều trị bệnh xuất huyết trên cá bống kèo ngoài ao nuôi thương phẩm.
>> Xem chi tiết nội dung luận án.
>> Xem thông tin đăng tải tại Website Bộ giáo dục và Đào tạo.