Tiêu đề: “Nghiên cứu hiện trạng và một số đặc điểm sinh học tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii De Man, 1879) nuôi trong môi trường nước lợ”.

Tác giả:  Huỳnh Kim Hường, Khóa 2009.

 Chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản, Mã ngành: 62620301; Nhóm ngành – Lâm – Ngư nghiệp.

 Người hướng dẫn chính: PGS.TS. Trần Ngọc Hải, Trường Đại học Cần Thơ.

 Người hướng dẫn phụ: PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Hương, Trường Đại học Cần Thơ.

 Thời gian bảo vệ: 14 giờ 00, Thứ bảy ngày 25 tháng 6 năm 2016.

 Địa điểm bảo vệ: Hội trường I Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.

1. Tóm tắt nội dung luận án

Tôm càng xanh là đối tượng nuôi thủy sản quan trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu cơ sở khoa học, đánh giá hiện trạng, tiềm năng cũng như đề xuất những giải pháp cho phát triển nuôi tôm càng xanh trong môi trường nước lợ, góp phần phát triển bền vững nghề thủy sản ở ĐBSCL. Nội dung của luận án gồm (i) Khảo sát hiện trạng nuôi tôm càng xanh vùng nước lợ ở ĐBSCL; (ii) Thí nghiệm so sánh một số chỉ tiêu sinh học, tăng trưởng và tỷ lệ sống tôm càng xanh nuôi trong bể với các độ mặn khác nhau; và (iii) Thực nghiệm nuôi tôm càng xanh qui mô nông hộ ở vùng nước lợ tỉnh Trà Vinh.

Đối với nội dung khảo sát hiện trạng nuôi tôm vùng nước lợ ở ĐBSCL, đề tài đã chọn và khảo sát 2 mô hình chính, gồm (i) Mô hình tôm càng xanh xen canh với lúa trên ruộng luân canh với tôm sú, với 60 hộ nuôi tại tỉnh Bạc Liêu; và (ii) Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao luân canh với tôm sú thâm canh với 48 hộ nuôi tại tỉnh Trà Vinh. Phương pháp phỏng vấn theo biểu mẫu soạn sẵn, thu thập các thông tin chủ yếu về kỹ thuật và khía cạnh tài chính, cũng như nhận thức của người nuôi về các mô hình. Nghiên cứu cũng chọn 16 hộ áp dụng mô hình (ii) ở Trà Vinh để khảo sát lại và đánh giá những thay đổi kỹ thuật, hiệu quả tài chính nuôi qua các năm 2010 và 2013. Ngoài ra, luận án cũng tìm hiểu, thu thập thông tin thứ cấp về tình hình phát triển về diện tích, sản lượng, năng suất tôm càng xanh nuôi ở ĐBSCL nói chung và các tỉnh vùng nước lợ nói riêng, làm cơ sở cho đánh giá và định hướng phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay ĐBSCL có 15.270 ha nuôi tôm càng xanh, đạt sản lượng 5.306 tấn, trong đó các tỉnh vùng nước lợ ven biển chiếm 90,1% tổng diện tích nuôi và 64,8% tổng sản lượng tôm nuôi. Đối với mô hình (i) nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa trên ruộng luân canh tôm sú, ruộng nuôi có diện tích trung bình là 2,15 ha, mật độ 1,05 con/m2, đa số các hộ nuôi không cho ăn bổ sung, năng suất tôm đạt trung bình 110 kg/ha/vụ và lợi nhuận đạt 11,5 triệu đồng/ha/vụ. Đối với mô hình (ii) nuôi tôm càng xanh luân canh với tôm sú trong ao, ao nuôi có diện tích trung bình 0,6 ha, mật độ nuôi trung bình 8,97 con/m2, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hay có kết hợp với thức ăn tự chế hoặc cá tạp, năng suất, lợi nhuận đạt trung bình 886 kg/ha/vụ và 68 triệu đồng/ha/vụ. Nuôi tôm càng xanh với chi phí thấp, nhưng đã góp phần quan trọng vào cơ cấu thu nhập và tăng thu nhập cho các mô hình. Nghiên cứu đã phân tích chi tiết ảnh hưởng của các yếu tố kỹ thuật (diện tích, mật độ, thức ăn, quản lý nước….), đặc biệt là ảnh hưởng của độ mặn lên năng suất và hiệu quả tài chính của các mô hình. Qua đó, chứng minh được nuôi tôm ở vùng nước lợ 5 – 10‰ cho tăng trưởng, năng suất và hiệu quả tài chính tương đương ở vùng nước có độ mặn thấp hơn.

Đối với nội dung nghiên cứu nuôi tôm quần thể và cá thể trên bể với các độ mặn khác nhau nhằm bổ sung thêm cơ sở khoa học cho việc nuôi tôm trong môi trường nước lợ, thí nghiệm gồm có 4 nghiệm thức độ mặn là 0‰, 5‰, 10‰ và 15‰. Mỗi nghiệm thức có 3 bể nuôi tôm theo quần thể (60 con tôm/bể) và 1 bể nuôi tôm theo cá thể (mỗi bể có 60 lồng, nuôi 1 con tôm /lồng). Bể nuôi có thể tích 2 m3, được cấp khí liên tục và thay nước định kỳ. Hệ thống nuôi được đặt dưới mái che. Tôm được cho ăn bằng thức ăn viên có hàm lượng đạm 35%. Thời gian nuôi 120 ngày. Các chỉ tiêu về tỷ lệ sống, tăng trưởng, sinh sản, sinh lý máu, sinh hóa thịt tôm được nghiên cứu chi tiết. Kết quả cho thấy, giữa các nghiệm thức có độ mặn 0 – 15‰, độ mặn càng cao thì số lần lột xác ít hơn, chu kỳ lột xác dài hơn, nhưng tăng trưởng và sinh khối của tôm tương đương ở nước ngọt, riêng đối với thí nghiệm nuôi cá thể ở độ mặn 5‰ tăng trưởng của tôm cao hơn ở nước ngọt. Độ mặn càng cao tỷ lệ đẻ trứng của tôm cái ít hơn, chu kỳ đẻ trứng dài hơn, số lần đẻ tái phát dục ít hơn và sức sinh sản ít hơn so với tôm ở nước ngọt. Đặc biệt tôm nuôi ở độ mặn 15‰ tỉ lệ đẻ trứng thấp ở thí nghiệm quần thể hay không đẻ trứng ở thí nghiệm cá thể trong 120 ngày nuôi. Các chỉ tiêu sinh hóa tôm nuôi ở độ mặn cao tương đương, đặc biệt, tôm ở 5‰ có hàm lượng đạm cao hơn ở nước ngọt. Tỷ lệ sống và sinh khối tôm nuôi ở các nghiệm thức khác biệt nhau không có ý nghĩa thống kê.

Đối với nội dung thực nghiệm nuôi tôm bán thâm canh trong ao tại Trà Vinh, tổng cộng có 9 ao được chọn nuôi tại Huyện Duyên Hải (3 ao), Trà Cú (3 ao) và Cầu Ngang (3 ao). Các ao có diện tích tương tự nhau là 4000 m2/ao, độ sâu 1,5 m. Sau vụ nuôi tôm sú, ao được cải tạo và thả nuôi tôm càng xanh với mật độ 7 con/m2. Tôm được cho ăn bằng thức ăn nhân tạo có hàm lượng đạm 35% và với tỷ lệ 2 – 15% khối lượng tôm theo từng giai đoạn. Thời gian nuôi là 6 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở các ao tại huyện Duyên Hải (độ mặn trung bình cao nhất 6,3±2,4‰) và Trà Cú (độ mặn 4,1±3,1‰), tôm tăng trưởng nhanh hơn và đạt khối lượng (39,5 và 36,1 g/con) cao hơn so với tôm nuôi ở Cầu Ngang (3,4±2,0‰) (26,5 g/con). Tôm nuôi ở vùng có độ mặn cao (Duyên Hải, Trà Cú) có tỷ lệ đẻ trứng thấp hơn so với vùng có độ mặn thấp (Cầu Ngang). Năng suất và lợi nhuận tôm nuôi ở Duyên Hải (1.342 kg/ha/vụ và 199 triệu đồng/ha/vụ) và ở Trà Cú (1.269 kg/ha/vụ, 156 triệu đồng/ha/vụ) cao hơn có ý nghĩa so với tôm nuôi ở Cầu Ngang (988 kg/ha/vụ và 74,2 triệu đồng/ha/vụ).

Tóm lại, với cách tiếp cận nhiều mặt, từ các nghiên cứu nuôi tôm trên bể, đến khảo sát, đánh giá hiện trạng các mô hình nuôi thông qua thu thập ý kiến nông hộ và cán bộ địa phương, đồng thời thực nghiệm nuôi tôm qui mô thương phẩm trong điều kiện có tư vấn, kiểm soát kỹ thuật, các kết quả đã được phân tích sâu cho thấy rõ được tính khoa học và thực tiễn, khẳng định được hiệu quả tích cực, ưu điểm, tính khả thi, tính cần thiết và tiềm năng nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ. Bên cạnh đó, kết quả phân tích cũng cho thấy một số trở ngại và đề xuất một số giải pháp cần thiết, góp phần phát triển nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL nói chung.

Từ khóa: Tôm càng xanh, Macrobrachium rosenbergii, độ mặn, lột xác, sinh sản, nước lợ.

2. Những kết quả mới của luận án:

- Luận án cung cấp dẫn liệu khoa học từ thí nghiệm, thực nghiệm và khảo sát điều kiện thực tế đã khẳng định rằng tôm càng xanh nuôi trong môi trường nước lợ 5 – 15‰ cho tăng trưởng tương đương với tôm nuôi trong môi trường nước ngọt. Riêng đối với thí nghiệm nuôi cá thể ở độ mặn 5‰ tăng trưởng của tôm cao hơn ở nước ngọt

- Luận án cung cấp thông tin, phân tích về hiện trạng, kỹ thuật, tài chính và các yếu tố liên quan đến hiệu quả sản xuất của mô hình nuôi tôm càng xanh trong điều kiện nước lợ.

- Luận án cung cấp kết quả thực nghiệm nuôi tôm càng xanh trong điều kiện độ mặn khác nhau, là cơ sở quan trọng cho việc phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ ĐBSCL.

3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn, các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:

  Luận án cung cấp nhiều dẫn liệu mới về ảnh hưởng của độ mặn lên một số đặc điểm sinh học của tôm càng xanh trong điều kiện thí nghiệm. Bên cạnh đó luận án cũng cung cấp thông tin về đặc điểm kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của các mô hình nuôi tôm càng xanh ở các tỉnh khác nhau vùng ĐBSCL, thông qua việc khảo sát hiện trạng và xây dựng thực nghiệm mô hình nuôi ở quy mô nông hộ.

Các kết quả của luận án có ý nghĩa thiết thực trong quy hoạch và phát triển nuôi tôm càng xanh ở khu vực nước lợ vùng ĐBSCL.

Luận án cũng là tài liệu tham khảo quan trọng cho công tác đào tạo và nghiên cứu tiếp theo trên tôm càng xanh cũng như các đối tượng khác, góp phần làm cơ sở khoa học, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong sản xuất thủy sản vùng nước lợ.

>> Xem chi tiết nội dung luận án.

>> Xem thông tin đăng tải tại Website Bộ giáo dục và Đào tạo.

Thời gian phát VB/CC/CN

Hướng dẫn nhập Kế hoạch học tập cho HVCH

Số lượt truy cập

15769989
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tổng số lượt truy cập
10593
45954
318333
15769989
Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x