Tên đề tài: “Thành phần loài và đặc điểm sinh học của một số loài cá kinh tế của hai họ cá bống Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre” .
Tác giả: Nguyễn Minh Tuấn
Chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản; Mã số: 62620301
Nhóm ngành: Nông – Lâm – Ngư nghiệp
Người hướng dẫn chính: PGS.TS. Trần Đắc Định, Trường Đại học Cần Thơ;
1. Tóm tắt nội dung luận án
Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, các loài cá bống thuộc họ Gobiidae và Eleotridae rất phong phú với 66 loài phân bố ở cả vùng nước ngọt và nước lợ (Trần Đắc Định và ctv, 2013). Trong đó một số loài có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng phát triển thành đối tượng nuôi trong tương lai như cá bống cát (Glossogobius giuris), cá bống dừa (Oxyeleotris urophthalmus), cá bống sao (Boleophthalmus boddarti),… chúng phân bố khá rộng từ vùng nội địa đến cửa sông (Murdy, 1989; Clayton, 1993), trong môi trường nhiệt đới và cận nhiệt đới (Chotkowski et al., 1999, Blaber et al., 000). Vì thế một số loài cá bống hiện nay đang là đối tượng nuôi và đánh bắt quan trọng như cá kèo vảy nhỏ, cá bống tượng, cá bống cát, cá bống sao, cá bống dừa, …. Trong đó cá bống sao (Boleophthalmus boddarti (Pallas, 1770)) và cá bống cát (Glossogobius aureus Akihito and Megugo, 1975) phân bố trong các hệ sinh thái cửa sông và vùng ven biển và là một trong những đối tượng khai thác khá quan trọng của người dân địa phương. Kích thước và khối lượng cá không lớn, song là một trong các loài cá bống thơm ngon, được ưa chuộng và có đóng góp đáng kể vào sản lượng khai thác.
Vùng ven biển tỉnh Bến Tre thuộc hạ lưu sông Tiền có bốn cửa sông với diện tích bãi bồi rộng lớn. Các loài cá bống của hai họ Gobiidae và Eleotridae được biết là có nhiều loài có giá trị kinh tế và có đặc điểm phân bố rất phù hợp với môi trường bãi bồi ven biển. Tuy nhiên các nghiên cứu về thành phần loài và đặc điểm sinh học của các loài cá này ở vùng bãi bồi ven biển ven biển vùng ĐBSCL nói chung và ở Bến Tre nói riêng cho đến nay vẫn còn hạn chế. Do đó nhằm đánh giá nguồn lợi nhóm cá bống để có những nhận định khoa học về sự đa dạng thành phần loài và đặc điểm sinh học của các loài cá kinh tế làm cơ sở cho việc phát triển nghề nuôi và bảo vệ nguồn lợi của nhóm cá này. Với lý do trên, nghiên cứu “Thành phần loài và đặc điểm sinh học của một số loài cá kinh tế của hai họ cá bống Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre” được thực hiện từ tháng 4 năm 2012 đ ến tháng 3 năm 2014. Mục tiêu của luận án nhằm cung cấp dữ liệu về thành phần loài cá thuộc họ Gobiidae và Eleotridae, xác định những loài có giá trị kinh tế và có tiềm năng phát triển thành đối tượng nuôi. Đồng thời, xác định một số đặc điểm sinh học của hai loài có giá trị kinh tế quan trọng là cá bống cát (Glossogobius aureus Akihito and Meguro, 1975) và cá bống sao (Boleophthalmus boddarti (Pallas, 1770)) bao gồm: đặc điểm hình thái của cơ quan tiêu hóa, phổ thức ăn, đặc điểm sinh học sinh trưởng và sinh sản. Đề tài cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản những đối tượng này trong tương lai và quản lý khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thành phần loài cá thuộc hai họ Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre khá đa dạng. Nghiên cứu đã xác định được 26 giống, 35 loài; trong đó họ cá bống trắng (Gobiidae) có 22 giống , 28 loài chiếm 80% và họ cá bống đen (Eleotridae) có 4 giống, 7 loài chiếm 20%. Kết qu ả điều tra từ ngư dân cho thấy có 13 loài cá bống có giá trị kinh tế (họ Gobiidae có 9 loài chiếm 69,2% và họ Eleotridae có 4 loài chiếm 30,8%) đang được khai thác và thương mại hóa tại địa phương. Hai loài cá bống kèo (Pseudapocryptes elongatus) và cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata) đã và đang được phát triển thành đối tượng nuôi tại khu v ực nghiên cứu. Thêm vào đó, hai loài cá bống cát (G. aureus) và cá bống sao (B. boddarti) có giá trị kinh tế cao được người dân đ ịa phương ưa chuộng, có nhiều tiềm năng để phát triển thành đối tượng nuôi trong tương lai. Cá bống cát có tỉ lệ chiều dài ruột/chiều dài cơ thể (RLG) < 1, thức ăn chủ yếu là cá (46,3%) và giáp xác (40,5%). Cá bống sao có RLG > 1, thức ăn chủ yếu là khuê tảo chiếm 87,8% và tảo lam (11,3%).
Cá bống cát thuộc nhóm cá miệng trên, miệng rộng, lưỡi phát triển, phần tự do của lưỡi dài, phần cuối lưỡi x ẻ thùy và chia làm đôi, răng lớn, nhọn, răng hầu phát triển, lược mang có dạng núm hoặc gai nhọn, thực quản và ruột ngắn, thành dạ dày và thành ruột dày. Cá bống sao thuộc dạng cá miệng dưới, răng hàm dưới mọc thẳng đỉnh chẻ đôi, không có răng hầu, lược mang mảnh, mềm, dài, xếp sát vào nhau thành tấm chắn, thực quản lớn, vách dạ dày mỏng, ruột dài. Kết quả nghiên cứu đặc điểm hình thái cơ quan tiêu hóa và phổ thức ăn cho thấy cá bống cát là cá dữ ăn động vật và cá bống sao ăn thực thực vật.
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh trưởng xác định được phương trình tương quan chiều dài và khối lượng của cá bống cát là W = 0,019*L 2,72 (R 2 = 0,925; n = 411), và cá bống sao là W = 0,008*L 3,03 (R 2 = 0,845; n = 435). Kết qu ả này cho thấy cá bống cát tăng trưởng về chiều dài hơn so với chiều rộng và chiều cao thân; cá bống sao tăng trưởng đồng đẳng giữa chiều dài, chiều rộng và chiều cao thân. Kết quả phân tích sinh trưởng cho thấy cá bống cát có chiều dài tối đa L∞ = 300 mm; hệ số tăng trưởng K = 0,77/năm; t0 = -0,02/năm; hằng số tăng trưởng Φ ’ = 2,84; tuổi thọ tmax = 3,9 năm. Trong khi đó, cá bống sao có chiều dài tối đa L∞ = 160 mm; hệ số tăng trưởng K = 0,55/năm; t0 = -0,01/năm; hằng số tăng trưởng Φ’ = 2,15; tuổi th ọ (tmax) của cá được xác định là 5,5 năm.
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cho thấy tỉ lệ đực:cái của cá bống cát là 1:0,93 và ở cá bống sao là 1:1,18, cả 2 tỉ lệ này đều khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với tỉ lệ 1:1. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cá bống cát có mùa vụ sinh sản kéo dài từ tháng 9 đ ến tháng 12, nhưng tập trung vào tháng 11 và 12; trong khi đó, cá bống sao có khả năng sinh sản quanh năm, nhưng tập trung vào tháng 10 và 11. Cá bống cát có sức sinh sản tuy ệt đ ối là 69.006±25.616 trứng/cá cái, sức sinh sản tương đối là 1.122±148 trứng/g cá cái, chiều dài thành thục đầu tiên (Lm) của cá đực là 142 mm; cá cái là 122 mm. Trong khi đó, cá bống sao có sức sinh sản tuyệt đối là 18.224±2.940 trứng/cá cái, sức sinh sản tương đối là 724±104 trứng/g cá cái, chiều dài thành thục đầu tiên của cá đực là 128 mm; cá cái là 126 mm.
Từ khóa: Thành phần loài, cá bống sao, cá bống cát, phổ thức ăn, sinh trưởng, sinh sản.
2. Những kết quả mới của luận án:
- Luận án đã xác định được thành phần loài cá thuộc họ Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre gồm có 35 loài trong đó có 28 loài thuộc họ Gobiidae (80%) và 7 loài thu ộc họ Eleotridae (20%).
- Luận án cũng đã xác định được 13 loài cá kinh tế thuộc họ Gobbiidae và Eleotridae.
- Luận án đã cung cấp kết qu ả nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của cá bống cát (G. aureus) và cá bống sao (B. boddarti) bao gồm:
+ Xác định đặc điểm hình thái của cơ quan tiêu hóa và phổ thức ăn: Cá bống cát (G. aureus) có hình thái cơ quan tiêu hóa phù hợp với loài cá dữ ăn động vật và phổ thức ăn có thành phần giáp xác và cá nhỏ chiếm ưu thế (86,8%); ngược lại cá bống sao (B. boddarti) có hình thái cơ quan tiêu hóa phù hợp với loài có tính ăn thực vật và phổ thức ăn có thành phần tảo khuê chiếm ưu thế (87,84%).
+ Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh trưởng ghi nhận cá bống cát tăng trưởng chiều dài hơn chiều rộng và chiều cao thân, cá bống sao tăng trưởng đồng đẳng giữa chiều dài, chiều rộng và chiều cao thân. Kết quả phân tích cũng cho thấy cá bống cát có L∞ = 300 mm; K = 0,77/năm và t 0 = -0,02 năm, cá bống sao có L∞ = 160 mm; K = 0,55/năm và t0 = -0,01 năm; qua đó đã xác định được quan hệ giữa chiều dài và tuổi của 2 loài cá này .
+ Nghiên cứu đặc điểm sinh sản cho thấy cá bống cát và cá bống sao sinh sản tập trung vào mùa mưa, sức sinh sản tuyệt đối của hai loài khá cao trong đó sức sinh sản của cá bống cát lớn hơn cá bống sao. Xác đ ịnh được chiều dài thành thục đầu tiên của hai loài cá này là cơ sở cho việc khuyến cáo ngư dân khai thác cá có kích thước lớn hơn chiều dài thành thục đầu tiên để cá có thể sinh sản duy trì quần đàn.
3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn, các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:
- Luận án góp phần bổ sung kiến thức cơ bản về thành phần loài của họ cá bống Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng bãi bồi ven biển, cập nhật hiện trạng khai thác, giá trị kinh tế một số loài cá, cung cấp kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh học dinh dưỡng, sinh trưởng, sinh sản của cá bống cát (G. aureus) và cá bống sao (B. boddarti). Những kết luận về thành phần loài và đặc điểm sinh học sẽ là cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng trong quản lý nguồn lợi và cho việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo, sản xuất thức ăn để có thể thúc đẩy nghề nuôi cá bống cát, cá bống sao, đa dạng hóa đối tượng nuôi và mô hình nuôi thủy sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ven biển.
- Qua kết quả nghiên cứu cho thấy một số loài có số lượng thu được rất ít cần được nghiên cứu bảo tồn như: Cá bống dừa mắt nh ỏ (E. microps), Cá bống râu (G. macrostoma).
- Khuyến cáo ngư dân khai thác cá bống cát có kích thước lớn lơn 142 mm và cá bống sao có kích thước lơn hơn 128 mm.
- Trên cơ sở những đặc điểm sinh học dinh dưỡng và sinh học sinh sản, cần tiếp tục nghiên cứu khả năng nuôi thương phẩm và khả năng sinh sản nhân tạo cá bống cát (G.aureus), cá bống sao (B. boddarti) để có thể phát triển thêm đối tượng nuôi mới.
>> Xem chi tiết nội dung luận án.
>> Xem thông tin đăng tải tại Website Bộ giáo dục và Đào tạo.