Tên đề tài: “Ảnh hưởng của chất béo thức ăn trong khẩu phần đến thành phần acid béo của trứng gà công nghiệp” .
Tác giả: Lê Thanh Phương
Chuyên ngành: Chăn nuôi; Mã số: 62620105
Nhóm ngành: Nông – Lâm – Ngư nghiệp
Người hướng dẫn chính: PGS.TS. Lưu Hữu Mãnh, Trường Đại học Cần Thơ;
Người hướng dẫn phụ: PGS.TS. Nguyễn Nhựt Xuân Dung, Trường Đại học Cần Thơ;
1. Tóm tắt nội dung luận án
Đề tài được tiến hành trên sáu thí nghiệm thực hiện từ năm 2012-2014 tại trang trại tư nhân tỉnh Bình Dương với giả thiết rằng cả năng suất sinh sản, chất lượng và thành phần acid béo thiết yếu của trứng gà có thể được nâng cao bằng cách bổ sung và kết hợp các loại dầu vào khẩu phần của gà mái đẻ.
Thí nghiệm 1 được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của giống (ISA Brown và Hisex Brown) và tuổi của gà mái đẻ (21, 38 và 54 tuần tuổi) lên các thành phần, dưỡng chất và acid béo của của quả trứng. Các thành phần của quả trứng chịu ảnh hưởng bởi tuổi gà mái và giống gà. Gà Hisex Brown sản xuất quả trứng lớn hơn, tỉ số lòng đỏ: lòng trắng cao hơn gà ISA Brown và tỉ số này tăng theo tuổi của gà mái. Giống và tuổi gà không ảnh hưởng lên thành phần hóa học của quả trứng nhưng ảnh hưởng lên thành phần acid béo của lòng đỏ.
Thành phần acid béo của dầu dừa, dầu nành, dầu phọng, dầu cám gạo, mỡ heo, dầu cá tra, và dầu cá hồi (19 mẫu) được kiểm tra qua phân tích bằng phương pháp sắc ký khí trong Thí nghiệm 2. Dầu dừa có hàm lượng tổng số chất béo no cao nhất (89,06%) so với dầu cám gạo (24,59%), dầu phọng (25,12%), dầu nành (16,77%), dầu cá tra (39,95%), dầu cá hồi (27,29%) và mỡ heo (35,64%). Dầu nành có hàm lượng acid linolec cao (50,65%). Hàm lượng acid béo EPA (5,73%) và DHA (4,52%) được phát hiện ở dầu cá hồi, trong khi các acid béo này có rất ít ở dầu cá tra và không có ở các loại dầu thực vật.
Thí nghiệm 3 được thực hiện trên 720 gà mái đẻ từ 32 đến 42 tuần tuổi được bố trí vào 9 nghiệm thức, sử dụng 3 loai dầu là cám gạo, dầu nành và dầu cá hồi với 3 tỉ lệ là 1, 2 và 3% trong khẩu phần. Dầu bổ sung đã nâng cao năng suất sinh sản của gà; tỉ lệ đẻ cao nhất ở khẩu phần bổ sung 2% dầu cám gạo (96,81%). Gà nuôi khẩu phần bổ sung dầu cá hồi đã tăng tích lũy DHA, giảm hàm lượng cholesterol và tỉ lệ acid béo ω-6/ω-3 của lòng đỏ trứng (3,42).
Trong thí nghiệm 4, với 480 gà mái đẻ được nuôi 6 khẩu phần, đối chứng nhận 3% dầu cám gạo và 5 nghiệm thức thí nghiệm được sử dụng 2 loại dầu là dầu cám gạo kết hợp với dầu cá hồi theo 5 tỉ lệ khác nhau. Sự kết hợp giữa 2 loại dầu không ảnh hưởng lên năng suất sinh sản, hệ số chuyển hóa thức ăn và chất lượng của quả trứng. Hàm lượng DHA cao nhất và tỉ lệ ω-6/ω-3 thấp nhất được tìm thấy ở khẩu phần có 2,5% dầu cá hồi + 0,5% dầu nành (2,7). Sự biểu hiện của gen FADS1 bị giảm khi tỉ lệ ω-6/ω-3 trong khẩu phần tăng lên, trong khi FADS2 không khác biệt so với đối chứng.
Ảnh hưởng các tỉ lệ acid béo ω-6/ω-3 (2, 3, 4, 5 và 6) trong khẩu phần lên năng suất trứng, thành phần acid béo và hàm lượng cholesterol lòng đỏ được thực hiện trên 480 gà mái đẻ trong Thí nghiệm 5. Thức ăn thí nghiệm không ảnh hưởng lên năng suất sinh sản của gà nhưng cải tiến hệ số chuyển hóa thức ăn. Hàm lượng acid linoleic, DHA và omega-3 của lòng đỏ tăng và ở khẩu phần có tỉ số ω-6/ω-3 bằng 2, hàm lượng cholesterol giảm ở những khẩu phần có tỉ lệ dầu cá hồi cao. Sự biểu hiện của gen FADS1 và FADS2 có quan hệ tuyến tính cao với hàm lượng DHA của lòng đỏ trứng.
Trong Thí nghiệm 6, có 132 gà mái đẻ được bố trí với 10 khẩu phần, có bổ sung dầu nành hoặc dầu cá hồi với các mức độ 0; 1; 1,5; 2; 2,5 và 3% mỗi loại và một khẩu phần đối chứng không bổ sung dầu, để đánh giá ảnh hưởng của khẩu phần lên thành phần acid béo và sự biểu hiện gen FADS1 và FADS2 ở gan. Hàm lượng ALA và DHA tăng ở các khẩu phần bổ sung dầu cá hồi và sự biểu hiện gen FADS1 và FADS2 có quan hệ tuyến tính rất cao với hàm lượng DHA của lòng đỏ trứng.
Hàm lượng acid béo của lòng đỏ trứng gà thay đổi theo nguồn chất béo của khẩu phần. Gà mái có khả năng tổng hợp omega-3 và DHA cho lòng đỏ trứng từ nguồn chất béo của khẩu phần. Sự kết hợp của dầu cá hồi với dầu nành cho ra quả trứng có tỉ lệ ω-6/ ω-3 thấp (2,7). Trứng nầy sẽ là nguồn thực phẩm chức năng giàu các acid béo thiết yếu.
2. Những đóng góp mới của luận án:
Đã tìm thấy kết quả là đối với giống Hisex Brown và Isa Brown thì giống và tuổi gà không ảnh hưởng lên thành phần hóa học, nhưng có tác động lên thành phần acid béo của quả trứng.
Đã xác định được tỉ lệ bổ sung dầu cám gạo ở mức 2% vào khẩu phần làm tăng tỉ lệ đẻ và khối lượng trứng của gà.
Đã tìm thấy hàm lượng DHA và omega-3 của lòng đỏ tăng và cholesterol giảm và ở khẩu phần có tỉ số ω-6/ ω-3 thấp.
Đã tìm thấy sự biểu hiện gen FADS1 và FADS2 có quan hệ tuyến tính rất cao với hàm lượng DHA của lòng đỏ trứng.
>> Xem chi tiết nội dung luận án.
>> Xem thông tin đăng tải tại Website Bộ giáo dục và Đào tạo.